Báo cáo của Tổng cục thống kê (GSO) ngày 24/9 cho thấy CPI Việt Nam trong tháng Chín tăng 2,2% so với tháng trước đó.
Đây là mức tăng hàng tháng cao nhất kể từ tháng Sáu năm 2011, dựa theo bản báo cáo.
Trao đổi với báo chí trong nước, ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ thống kê giá cả của GSO cho biết CPI tăng cao là ảnh hưởng của sự tăng giá đồng loạt của các mặt hàng như thuốc men, dịch vụ y tế, giáo dục, vận chuyển, vật liệu xây dựng.
Nhóm giáo dục và vật liệu xây dựng tăng lần lượt 10,54% và 2,18%.
Dịch vụ y tế cũng tăng cao trong tháng Chín, đưa giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng đến 17,02% so với tháng trước, trong đó chỉ riêng dịch vụ y tế tăng 7,71%.
CPI trong tháng Chín tại hai thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh tăng lần lượt 2,47% và 1,21%, đóng góp đáng kể vào mức tăng chung của CPI cả nước.
Nguy cơ tái lạm phát
Theo ông Thắng, sau hai tháng giảm phát liên tiếp trong tháng Sáu và Bảy, việc leo thang nhanh chóng của chỉ số CPI trong tháng Chín gây nhiều quan ngại rằng lạm phát năm nay có thể sẽ tăng cao hơn chỉ tiêu 7%.
Vật giá được cho là có nguy cơ tiếp tục tăng từ đây đến cuối năm
Nếu mức tăng duy trì ở 1,5% trong ba tháng tới thì đến tháng 12, chỉ số CPI sẽ tăng 9,93%, tin từ Cổng thông tin chính phủ cho biết.
Nhận xét với báo chí về chỉ số CPI trong tháng Chín, ông Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả, Bộ tài chính cho biết: "Nếu CPI cả nước tăng thêm 2% nữa thì rất đáng lo vì chưa năm nào cao như thế cả."
Hiện tại, có nhiều ý kiến xung quanh nguyên nhân tăng đột ngột của CPI trong nước.
Giới phân tích cho rằng trong suốt thời gian giảm phát, các doanh nghiệp đã lợi dụng thời điểm giá CPI âm trong tháng Sáu, Bảy để đẩy giá đi lên.
Tuy nhiên đây được cho là động thái gây nhiều ảnh hưởng xấu lên nền kinh tế, khi CPI không tăng lên bằng nhu cầu thực chất; khiến chỉ số CPI tăng không có nghĩa là sức mua được cải thiện mà thậm chí còn làm suy giảm sức mua của người dân.
Việc xăng dầu, dịch vụ y tế, điện tăng giá trong những tháng gần đây được đánh giá là gây ảnh hưởng lớn lên CPI trong tháng Tám, Chín và là tín hiệu đáng quan ngại cho sự quay trở lại của lạm phát nếu không có những chính sách điều hành vĩ mô cẩn trọng.
Ông Vũ Đình Ánh nhận xét thêm rằng không thể xem thường sự tăng giá hàng loạt của các mặt hàng thiết yếu, đồng thời cần phải lập tức kiềm chế trước nguy cơ lạm phát quay trở lại.